TẬP THƠ KHÔNG MUA NỔI BAO THUỐC?
Tôi không biết làm thơ nhưng cũng biết yêu những bài thơ hay. Cách đây hơn 10 năm, khi tham dự một lớp tập huấn, tôi đã rất chú ý bài nói về thơ của GS.TS. Hà Minh Đức.
TẬP THƠ KHÔNG MUA NỔI BAO THUỐC ?
Ban tổ chức lớp học giới thiệu: "GS.TS. Hà Minh Đức đã nhiều lần được mời đi Mỹ nói chuyện, hôm nay chúng tôi mời GS nói chuyện với anh chị em học viên".
GS cảm ơn lời giới thiệu trang trọng đó và bảo, so với bà làm giò chả cùng phố thì ông còn đi ít hơn rất nhiều. Mỗi năm bà này đi Mỹ vài lần.
Đề cập đến vị trí của văn học nghệ thuật, GS Hà Minh Đức nói: Thơ, kịch gần như độc tôn trước đây. Nhưng khi bước vào chủ nghĩa Tư bản, nhiều thứ đã thay đổi. Hầu như tất cả đều mua được bằng tiền. Một tập thơ có khi chỉ đáng giá một bao thuốc lá. Bảng giá trị, thước đo mọi sự chính là tiền.
Chúng ta mới bước vào kinh tế thị trường, nhiều cái chưa định hình, văn học nghệ thuật (VHNT) lép vế là đúng. Không chỉ VHNT mà các thứ văn hoá tinh thần đều bị xem nhẹ.
Chỉ cần xem ti vi, tháng tháng đều thấy trao cúp. Riêng cúp Sao đã có Sao vàng đất việt, Sao Khuê, rồi Sao Thần Nông...Bà lang Giằng chữa bệnh đau khớp được trao cúp và được quàng một vòng hoa đẹp. Cả buổi tối truyền hình trực tiếp hoành tráng tôn vinh 100 người ưu tú, chỉ có duy nhất chị Trà Giang là nghệ sỹ.
Xem một buổi khác, tôn vinh 4 người gồm một ông nấu cao ngựa bạch; một ông trồng măng trúc; một chị ở Thái nguyên là chủ hiệu may tân thời; người thứ tư là một bà hàng cơm ở Thanh Xuân, phòng ăn có cả hát karaoke. Nhà ăn càng ngày càng phát triển và bây giờ đoạt cúp.
Đời sống đang vận động như vậy nên văn học nghệ thuật có nhiều chuỵện đáng bàn. Nhà thơ Tố Hữu nói: "Mình tưởng có việc chỉ một thập kỷ giải quyết xong nhưng có đến thế kỷ vẫn không xong". Có người bảo thơ Tố Hữu từng là lá cờ đầu nhưng nay hết chiến tranh rồi. Trong chiến tranh, nhà thơ gõ thanh tre, người ta hát theo. Bây giờ hòa bình rồi, thơ ông vẫn là thơ ông mà thôi.
GS Hà Minh Đức nghĩ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, có 1 bài thơ hay nhất là "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên" của Tố Hữu nhưng không nhiều người nhắc đến. Thị hiếu cực đoan làm cho thơ Tố Hữu vẫn chưa hết "kiếp nạn". Cũng như trước đây, có nhiều người đau đớn lắm về "kiếp nạn" của Thơ Mới. Đau đớn vì một trào lưu thi ca trẻ trung, mới mẻ là thế mà không có vị trí trong làng thơ.
Nhà thơ Xuân Diệu thề sẽ học yoga để có đủ sức khoẻ, sống lâu để bảo vệ thơ mới. Năm 1985, Xuân Diệu ra đi mà thơ mới vẫn chưa được minh oan. Đến tận năm 1992 chúng ta mới trả lại vị trí cho Thơ Mới. Nhà thơ Huy Cận, bạn thân của Xuân Diệu, đã dõng dạc tuyên bố: "Từ nay chúng ta trả lại cho Thơ Mới những gì của Thơ Mới".
Để có được điều tưởng như đương nhiên đó nhưng mất đúng 60 năm. Nước ta là nước phải chờ đợi nhiều nhất. Chờ đến hoá đá là thế.
Văn hoá tinh thần gần đây đã có sự chuyển đổi về thị hiếu. Công chúng mới có trình độ cao hơn, luôn khao khát cái mới, cái lạ, cái độc đáo, nhạy cảm với cái phức tạp và cũng...mau chán. Hở hang là mốt một thời rồi sẽ lại chán. Phim Hàn Quốc đang là sách giáo khoa phổ biến cách ăn mặc trang điểm của giới trẻ. Có cái gì đó hơi bốc đồng trong tâm lý công chúng.
Chân- thiện- mỹ là gốc của văn hoá tinh thần, nhưng lâu nay ta chỉ nhấn mạnh cái thiện (lòng tốt). Sự phá cách của giới trẻ lại là một cực đoan khác khẳng định chân (sự thật) và mỹ (cái đẹp).
Không chỉ văn học nghệ thuật mà bóng đá cũng thế, cần dựa vào công chúng. Chưa có nước nào thích bóng đá như Việt Nam. GS Hà Minh Đức kể: Hôm VN vào chung kết, Tiến sỹ văn học Đoàn Hương đang đi dọc Công viên thống nhất, chứng kiến cảnh hàng nghìn thanh niên cởi trần xuống đường hô hét, chị bảo: "Em nghĩ thế này cách mạng tháng 8 thành công là phải thôi ! "
Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển đổi, nhiều giá trị còn thay đổi. Chẳng nên bâng khuâng làm gì. Về lâu dài, công chúng sẽ biết chọn lựa những giá trị đích thực trong những thứ nhoáng nhoàng. Cuối cùng thì công chúng luôn luôn đúng, vẫn phải dựa vào công chúng, mẫu số chung của văn học nghệ thuật.
dhq