Bình quân cào bằng
CẢN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
Ai đã cày ruộng trong những năm đói kém thời hợp tác xã nông nghiệp, người đó càng biết ơn công lao đổi mới của ông Bí thư khoán hộ Kim Ngọc (tỉnh ủy Vĩnh Phú).
Một góc phố Thâm Quyến, nơi đi đầu trong cải cách, mở cửa của Trung Quốc.
Ngày ấy, bên cạnh ruộng chung của hợp tác “chó chạy hở đuôi” là những mảnh ruộng phần trăm của các hộ gia đình lúa tốt bời bời. Vì sao cùng một cánh đồng, cùng khí hậu, thổ nhưỡng lại có sự khác xa nhau về năng suất, sản lượng như vậy?
Họp hành, hô hào, trống giong, cờ mở đủ cả nhưng người dân không thực sự làm việc vì “cha chung không ai khóc”. Chỉ có mảnh ruộng 5% của nhà ai, nhà ấy mới chăm chút.
Chế độ phân phối sản phẩm cào bằng trong hợp tác xã không phân biệt ai làm thật, ai làm giả. Vào hợp tác xã khiến người lười lại lười thêm, người chăm rồi cũng biến thành lười vì động lực làm việc đã không còn.
Nhờ gần dân, hiểu dân, ông Kim Ngọc đã bàn với cấp ủy mạnh dạn giao ruộng đất cho hộ dân kèm theo mức khoán số thóc phải nộp cho hợp tác xã, vượt mức khoán thì dân được hưởng. Điều này đã khuyến khích nông dân hăng hái, chăm chỉ sản xuất. Khả năng tự chủ của hộ gia đình lại được phát huy, mọi tiềm năng lao động lại được tận dụng.
Làm vì mình, đó là động lực. Có động lực, người dân làm việc thật. Chỉ sau một năm thực hiện khoán đến hộ gia đình (gọi tắt là “khoán hộ”), sản lượng thóc của tỉnh Vĩnh Phú tăng 22 vạn tấn. Cây nghị quyết của Tỉnh ủy đã ra quả như vậy.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, tư duy vượt trước thời đại của Bí thư Kim Ngọc là điều bất thường. Sợ rằng “khoán hộ” dẫn tới con đường làm ăn cá thể, đi ngược lại con đường tập thể, nên cấp trên đã chỉ đạo dừng “khoán hộ”.
Sau khi “khoán hộ” ở Vĩnh Phú phải dừng bước, Hải Phòng còn tiếp tục “khoán chui” được nông dân rất đồng tình ủng hộ.
Lợi ích cho nông dân là động lực thúc đẩy sản xuất. 20 năm sau khi ông Kim Ngọc khởi xướng “khoán hộ”, tháng 4 năm 1988, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (gọi tắt là “khoán 10”).
Và cũng kỳ diệu như “khoán hộ” ở Vĩnh Phú, chỉ hai năm sau thực hiện “khoán 10”, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trầm trọng, trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.
Về động lực của tiến bộ, trong cuốn Hồi ký Lý Quang Diệu (Nhà xuất bản Thế giới- 2017), cựu Thủ tướng Singapore cho rằng chính phủ không nên duy trì chế độ bao cấp quá lớn và phân phối bình quân. Bởi dưới chế độ cào bằng như thế, mỗi cá nhân sẽ chỉ quan tâm đến việc thu tóm được gì từ của công hơn là cố gắng cải thiện cuộc sống của chính mình. Mà sự cố gắng cải thiện cuộc sống của chính mình mới là động lực tiến bộ trong suốt quá trình tiến hóa của loài người.
Về bình quân và cào bằng, có một câu chuyện khá thú vị. Hệ thống giáo dục ở nhiều nước phương Tây, điểm tính từ cao xuống là A, B, C, D, điểm F là trượt. Sinh viên một lớp đề nghị thày cho điểm bình quân, không ai điểm kém và không ai điểm cao, đó mới là sự công bằng tuyệt đối.
Giáo sư đồng ý, ông cho làm bài kiểm tra đầu tiên. Điểm được chia bình quân cho cả lớp, mọi người đều đạt điểm B. Những học sinh chăm chỉ thì khó chịu, còn những học sinh lười nhác thì vui vẻ (vì chẳng phải làm gì cũng được điểm B).
Đến bài kiểm tra thứ hai, những sinh viên lười học càng lười hơn và những người chăm học nghĩ họ chẳng hơn gì lũ lười, nên cũng chẳng muốn học. Kết quả bài kiểm tra thứ hai, điểm trung bình của cả lớp là D, kết quả không làm ai vui.
Đến bài kiểm tra thứ ba, vì người lười và người chăm cùng nhau không học nữa, nên điểm trung bình cho mọi người là F (trượt). Khi người chăm và người lười cùng được điểm như nhau thì động lực bị triệt tiêu. Cả lớp đều trượt.
Ở Trung Quốc cuối những năm 70, cũng rất khó tìm thấy động lực làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh, những nơi làm ăn theo mô hình tập thể cào bằng.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 1978, kinh tế quốc doanh của Trung Quốc chiếm trên 99% nhưng GDP chỉ đạt dưới 150 tỷ USD, nhỏ hơn gần 7 lần so với GDP của Nhật Bản.
Để tạo động lực làm việc, phải tấn công đột phá vào chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa bình quân. Người khởi xướng cải cách mở cửa Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng đã khuyến khích và cho phép một bộ phận nhân dân giàu lên trước. Kinh tế tư nhân không bị kìm chế. Công nhân được đóng cổ phần, được chia lợi tức nên họ coi việc chung của nhà máy như việc của nhà mình, tránh được câu chuyện “cha chung không ai khóc”.
Nhờ chính sách đúng đắn, Trung Quốc đã phát triển như vũ bão. Đến 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Sau 40 năm cải cách mở cửa, GDP của Trung Quốc đạt 12 nghìn tỷ USD, tăng 80 lần so với năm 1978 (trước khi cải cách mở cửa). Đó là thành công vang dội của chính sách “người giàu đi trước, làng nước theo sau”./.
dhq