NGHỊCH NHĨ
Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Giáo sư Lê Quân có thẳng thắn đề cập câu chuyện đổi mới vì một nền giáo dục đại học phù hợp với thời đại hội nhập, phát triển. Ý kiến được nhiều người tán thành nhưng cũng bị không ít phản ứng trên mạng xã hội. Có người chẳng quan tâm về góc độ tiếp cận, về vấn đề đúng/ sai mà chủ yếu họ phản ứng vì phát biểu của ông Quân nghe lạ tai, trái với suy nghĩ thông thường của họ.
Xưa có câu “trung ngôn, nghịch nhĩ”. Lời nói ngay thẳng nghe trái tai, nhưng người cầu thị vẫn chịu nghe vì biết nó có thể đem đến kết quả tốt. Hàn Phi Tử nói, Biển Thước ngày xưa trị bệnh thì lấy dao chích vào xương, bậc thánh nhân cứu nguy cho nước dùng lời trung làm lỗ tai nghe khó chịu. Chích vào xương thì thân thể đau một chút nhưng nước được phúc lâu dài.
Sách “Cổ học tinh hoa” (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2019) ghi chuyện dân nước Trịnh thường hay đến trường học thôn quê để nghị luận những chính sách hay dở của quan lại. Nhiên Minh bảo Tử Sản rằng: “Tôi định phá hết cả các trường thôn quê, ông tính sao?”. Tử Sản đáp: “Để chứ, phá đi làm gì? Dân sự người ta sớm tối đến trường học để nghị luận điều phải điều trái của quan liêu làm. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học!”.
Trong hầu hết các tích xưa, điển cũ, lời nói thẳng để tham mưu, can gián đều hướng lên phía trên. Người ta càng cao xa, càng tôn quý bao nhiêu, thì thông tin nhận được càng xa sự thực bấy nhiêu. Sự thực hay làm mất lòng, nên những người có địa vị cao, ít khi được nghe sự thực. Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Thiên hạ không ai muốn mất lòng mình, thì ai dám nói sự thực cho mình biết.
Sinh thời cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng cho rằng lời nói thuận chiều làm tai dễ nghe nhưng không giúp ích bằng lời nói thẳng. Thông tin nghe thích và thông tin có ích, cái nào được chọn, còn phụ thuộc bản lĩnh của người nghe.
Về phía người nói, muốn nói thẳng, nói thật thì phải có tư duy độc lập. Không có khả năng tư duy độc lập thì không dám có ý kiến riêng. Không có ý kiến riêng thì phải dập khuôn, nói theo, nói leo, nói lời lấy lòng, nói lời sáo rỗng.
Vì nói theo nên phải dựa vào tập thể, cái gì nên, cái gì không nên đều theo quan điểm của tập thể. Nhân danh tập thể, cộng đồng thực chất là vì sợ chịu trách nhiệm cá nhân. Người đố kị, hẹp hòi thường lấy danh nghĩa tập thể, số đông để vùi dập những ai có ý kiến khác mình. Điều này bóp chết mọi sáng kiến cá nhân, mọi ý tưởng khác biệt.
Vì thế, muốn có sáng tạo, trước hết phải chấp nhận sự khác biệt. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ghi rõ cần khơi dậy sức sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội.
Như trên đã nói, câu “trung ngôn nghịch nhĩ” thường chỉ trường hợp kẻ dưới thuyết phục, can gián bề trên. Trước đây người nói thẳng có thể chỉ ngại quyền lực của người cầm quyền. Ngày nay còn phải e dè trước quyền lực rất đỗi “bình dân” của mạng xã hội. Thông tin trên mạng xã hội có quyền lực to lớn.
Giáo sư Lê Quân là Đại biểu Quốc hội, là nhà khoa học, thế mà chỉ phát biểu khác một chút, mới một chút đã bị nhiều phản ứng thái quá, đủ biết sức mạnh ghê gớm của mạng xã hội.
Cứ thấy ý kiến khác mình là phản đối ầm ầm thì làm sao có được cái mới? Đổi mới là trái với cái cũ, cái trì trệ và cả cái thông thường. Sáng tạo là của cá nhân, của số ít, trong khi số đông thì luôn có sức mạnh bảo thủ.
Trong đêm trước của Cách mạng công nghiệp châu Âu thế kỷ XVIII, đã từng xảy ra những chuyện như “10 vạn người đốt 1 phát minh”, hàng nghìn người đập phá máy móc chỉ vì máy móc sản xuất nhanh quá, tốt quá, làm cho đông đảo công nhân mất việc làm.
Ngày nay, tâm lý đám đông vẫn là thách thức với bất cứ ý tưởng khác biệt và mới mẻ nào. Để có sáng tạo, rất cần một môi trường văn hóa mạng biết chấp nhận sự khác biệt.
Thế giới gần 8 tỷ người, không ai có cùng vân tay. Vì vậy, có tiếng nói khác nhau là chuyện bình thường. Nếu có cùng tiếng nói, thì theo Kinh Thánh, loài người đã xây xong tháp Babel lên thiên đường từ hai nghìn năm trước. Tòa tháp đó không bao giờ hiện hữu vì con người tuy cùng giống, cùng loài nhưng mỗi cá thể thì khác nhau, không có ai giống ai.
dhq