Một cân sách đổi một cân vàng
Ăn một quả khế, trả một cục vàng là truyện cổ tích ở Việt Nam, còn một cân sách dịch được trả một cân vàng là chuyện có thật của người Ả rập...
Ảnh minh họa
“Kẻ nào từ biệt gia đình để đi tìm hiểu, mở mang tri thức, là kẻ đó đi trên con đường của Thượng đế. Mực của nhà bác học còn linh thiêng hơn máu của người tử vì đạo”. Đây là lời dạy của nhà tiên tri Mahomet, người sáng lập Hồi giáo.
Tác giả Will Durant trong cuốn Lịch sử văn minh Ả rập (Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2021) cho biết, trái với hầu hết những nhà sáng lập, cải cách tôn giáo, Mahomet khuyến khích và tán thưởng sự phát triển tri thức. Người kế tục xuất sắc tinh thần cầu thị, ham học hỏi của Mahomet là Al-Mamoun. Năm 813, ông trở thành khalip (quốc vương) của đế quốc Hồi giáo.
Năm 830, Vua Al-Mamoun bỏ ra 200.000 dinar xây Tòa Minh triết gồm viện khoa học, đài thiên văn, thư viện công cộng, đồng thời tuyển một đoàn phiên dịch do quốc khố đài thọ. Đứng đầu cơ quan dịch thuật của Tòa Minh triết là Hunain ibn Ashak. Cái cách mà Quốc vương Al-Mamoun trả công cho Hunain ibn Ashak cũng chưa từng thấy xưa nay: đem cân các tác phẩm dịch, nặng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu vàng.
Ăn một quả khế, trả một cục vàng là truyện cổ tích ở Việt Nam, còn một cân sách dịch được trả một cân vàng là chuyện có thật của người Ả rập. Chính vì biết quý trọng tri thức và trọng đãi những người truyền tải tri thức như vậy, nên khoảng năm 850, hầu hết các tác phẩm cổ điển của Hy Lạp về toán học, y học, thiên văn học đều được dịch sang tiếng Ả rập. Nhờ đó, văn minh Hồi giáo mới bùng nổ, làm chấn động thế giới. Việc trân trọng tri thức, học hỏi kiến thức của các nền văn minh khác đã góp phần to lớn khiến dân tộc Ả rập nhanh chóng hùng cường. Chỉ trong một thế hệ, họ thắng cả trăm trận, chỉ trong một thế kỷ, họ chiếm được một đế quốc.
Để khắc phục lạc hậu của đất nước mình, các vị minh quân khai quốc đều giống nhau ở chỗ biết cầu thị học hỏi các dân tộc văn minh. Thành Cát Tư Hãn cho phép mọi tôn giáo được hoạt động trên lãnh thổ của ông vì ông nhận thức rằng, những nhà truyền đạo chính là những người truyền tải văn minh thế giới đến với người Mông Cổ hoang dã trên thảo nguyên.
Cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt, người sáng lập triều đại nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Do quá khâm phục kiến thức khổng lồ và khả năng ngoại ngữ của Marco Polo, một thương nhân người Ý, nên Hốt Tất Liệt đã phong Marco Polo giữ chức quan trong triều đình nhà Nguyên.
Ở Nhật Bản từ những năm 50 của thế kỷ XIX, người ta đã tìm cách tiếp nhận văn minh phương Tây. Một trong những bước đi mang tính khởi động công cuộc canh tân đất nước là dịch và phổ biến sách kinh điển phương Tây. Đó là các cuốn sách giúp xây dựng chế độ pháp quyền, chế độ kinh tế tiên tiến và xây dựng lối sống mới văn minh.
Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Trường đại học Waseda thì trong bối cảnh bị áp chế, Chính phủ Nhật Bản phải thương lượng với Mỹ và các nước phương Tây, phải tìm hiểu công pháp quốc tế. Năm 1855, Trường học tập phương Tây Yogakko được lập ra để đào tạo cán bộ ngoại giao và thông dịch viên. Sau đó trong các phái đoàn gửi sang Mỹ và Âu châu, các thành viên lo săn tìm sách quý và cố mang về Nhật thật nhiều. Từ năm 1863 Trường Yogakko bắt đầu dịch các sách về thiên văn, địa lý, vật lý, hóa học, kinh tế, pháp luật. Có những bản dịch trở thành sách gối đầu giường của giới trí thức, quan chức và lãnh đạo chính trị Nhật Bản.
Giáo sư Trần Văn Thọ cũng cho biết, đầu thời kỳ Minh Trị duy tân, điều kiện dịch thuật ở Nhật Bản còn rất khó khăn vì thiếu từ điển, thiếu người giỏi ngoại ngữ trong khi các khái niệm, tư tưởng cần chuyển tải thì hoàn toàn mới lạ. Trong 15 năm, có trên 1.500 cuốn sách xuất bản ở Âu Mỹ đã được dịch ra tiếng Nhật. Dân số Nhật Bản lúc đó chỉ có hơn 30 triệu người, mà mỗi năm người Nhật dịch hơn 100 cuốn sách nước ngoài, đó là chuyện phi thường ở một nước phong kiến phương Đông.
Lãnh đạo các giới của Nhật hồi đó tiếp xúc với văn minh phương Tây chủ yếu qua sách dịch. Họ nhận ra rằng nền văn minh mới và xa lạ đó chính là nguồn gốc của sức mạnh kinh tế, quân sự của các nước Âu Mỹ, những quốc gia đang dùng sức mạnh vượt trội đi xâm chiếm những nước yếu kém.
Từ nhận định đó, người Nhật thấy rằng phải nhanh chóng tiếp thu văn minh phương Tây để canh tân đất nước thì mới tránh được thảm họa mất nước. Và lịch sử đã chứng minh tư duy đổi mới đúng đắn của người Nhật. Họ đã lập một kỳ tích khi là nước duy nhất không chỉ thoát khỏi số phận bị phương Tây xâm lược, mà còn vươn lên trở thành một đế quốc hùng mạnh, ngang hàng với phương Tây./.
Huyền Dư