CÁI TÊN NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?
Từ 1/7/2025, có những địa phương mới hình thành từ 3 tỉnh hợp nhất. Như thế, một tỉnh sẽ có 6 báo và đài nhập thành 1 cơ quan báo chí. Gọi tên cơ quan báo chí sau sáp nhập tỉnh như thế nào để ai cũng hài lòng là chuyện không dễ.

Bức tượng Cậu bé bán báo (The little newspaper boy) ở Budapest, Hungary.
Tôi đã có lần trình bày ý kiến cá nhân về báo chí tuyên truyền trước bạn bè quốc tế. Ý kiến trao đổi cho rằng sẽ phổ quát hơn và thuyết phục hơn nếu tôi thay từ tuyên truyền (propaganda) bằng truyền thông (communication).
Sau tìm hiểu, tôi biết thêm, tuyên truyền (propaganda) ban đầu là cách truyền đạt bình thường. Nhưng sau đó bị phát xít Đức lạm dụng, làm cho méo mó khi nói giả thành thật, đổi trắng thành đen. Từ đó, cả thế giới ám ảnh khi nghe từ propaganda (tuyên truyền).
Kiểu tuyên truyền một chiều của Bộ Tuyên truyền nước Đức Quốc xã dựa trên nguyên lý: dù không có thật nhưng nói nhiều lần khiến người nghe tin là thật. Điều này rất gần với điển tích “tam nhân thành hổ” của nước Trung Quốc cổ xưa.
Chuyện rằng nước Ngụy có người nói giữa chợ có con hổ, nhà vua không tin. Một người nữa lại nói giữa chợ có con hổ, nhà vua bán tín bán nghi. Thêm người thứ ba nói giữa chợ có con hổ, nhà vua tin là thực. Điển tích “tam nhân thành hổ” nổi tiếng đến mức phương Tây đã dịch sang thành ngữ “three men make a tiger”.
Tuyên truyền (propaganda) là thông tin áp đặt một chiều, khác với truyền thông (communication) là thông tin cởi mở đa chiều. Vì thế nước ta không đặt tên là Bộ Thông tin và Tuyên truyền mà gọi là Bộ Thông tin và Truyền thông (tên quốc tế là The Ministry of Information and Communications).
Sau hợp nhất, báo đài các tỉnh thành cũng nên có một cái tên quốc tế để giao dịch cho hợp thời hội nhập. Cái tên ấy không nên cũ và riêng rẽ như báo (newspaper) hay đài (television), mà nên nói về cái gì đó như một tổ hợp truyền thông để không chỉ làm báo chí thuần túy mà còn làm kinh tế báo chí.
Không dễ vì ngay cả tiếng Việt cũng còn chưa thống nhất. Các báo đài hợp nhất, nếu đặt tên báo cộng tên tỉnh (ví như Báo Quảng Ninh) thì vẫn có ý lo chỉ có báo in, chưa bao hàm báo nói (phát thanh) và báo hình (truyền hình). Mà đặt tên có cả báo in, báo nói, báo hình (ví dụ Báo và Đài Phát thanh, Truyền hình Quảng Ninh) thì dù tên hơi dài nhưng vẫn lo chưa bao gồm báo điện tử và hoạt động báo chí trên mạng xã hội.
Đặt tên nên vì đại cục, không nên cục bộ, cát cứ. Trường Đại học Hà Nội là một cái tên hợp thời, đa ngành, giúp nó có không gian phát triển hơn tên cũ là Trường Đại học Ngoại ngữ, chỉ là một ngành.
Hàn Quốc có 3 trường “trên trời” vì từ “trời” SKY là ghép 3 chữ đầu tên của 3 trường đại học đa ngành nổi tiếng nhất: S (Seoul University), K (Korea University), Y (Yonsei University). Trong khi ở ta thì phần nhiều đặt tên theo đơn ngành: Đại học Công đoàn, Đại học Nội vụ, Đại học Giao thông... Nay Bộ Giao thông đã sáp nhập vào Bộ Xây dựng, lẽ nào lại đổi tên trường?
Có những câu chuyện viễn tưởng ngày xưa như con người bay lên như chim, lặn xuống như cá, nay đều đã thành hiện thực với máy bay, tàu ngầm. Rồi đến một ngày, con người tiếp nhận thông tin không chỉ bằng mắt nhìn, tai nghe mà có thể là tay sờ thấy thông tin, hít thở được thông tin hoặc thông tin được hấp thụ qua da. Khi đó báo in, báo nói, báo hình, báo mạng đều lỗi thời, ta có cần đổi tên cơ quan báo chí nữa không?
Tên gọi chỉ là một nhãn mác, nó không nói được bản chất hay phẩm chất. Ngôn ngữ có tính võ đoán, không có tính tất yếu. Gọi tên thế nào là do quy ước của cộng đồng, không có gì bắt buộc, vì thực ra không có liên quan gì giữa âm thanh và ý nghĩa. Cái mà chúng ta gọi là hoa hồng, người Anh gọi là rose flower, nước khác lại gọi tên khác. Nhưng dù gọi bằng bất cứ tên nào thì hoa hồng cũng vẫn thơm ngọt như vậy - đây là ý của đại thi hào Anh William Shakespeare nói từ thế kỷ XVI.
The New York Times là một nhật báo của Mỹ, không có chữ “báo” nào trong cái tên đó, nhưng nó được phát hành ở khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
RT (viết tắt của Russia Today) là một mạng lưới truyền hình của Nga, cũng không có chữ “đài” nào trong cái tên đó, nhưng nó bao gồm các kênh truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình internet kết nối trực tiếp với khán giả trong và ngoài nước Nga bằng các ngôn ngữ khác nhau.
Như vậy, cái tên không nói lên nhiều. Cái chính là báo ấy, đài ấy có ích gì cho phát triển, phụng sự được gì cho số đông. Vì vậy, tên càng ngắn gọn, càng ấn tượng, dễ nhớ, dễ hợp tác trong hội nhập và phát triển./.
dhq