HIỀN NHƯ BỤT
Xưa nay nhân loại vinh danh, thờ phụng người có tài hay người có đức là câu hỏi vẫn gây nhiều tranh luận.
Dân gian có câu “hiền như Bụt”. Bụt là cách gọi ngắn gọn chữ Buddha (Bụt-đà), nghĩa là Phật. Bụt là hiện thân của từ bi, đức độ, bao dung. Nhưng Bụt cũng là tài năng siêu việt.

Tôn Ngộ Không trong bàn tay Phật Tổ
Trong “Tây du ký”, tất cả các loại yêu ma thần thông qủy quyệt, đánh bại tất thảy quan quân của thiên đình, nhưng đều chịu khuất phục và quy phục trước Phật.
Tôn Ngộ Không là người có công phò trợ Đường Tăng ngàn dặm nguy nan đi lấy chân kinh. Nhưng trước đó, Ngộ Không là kẻ có tài nhưng kiêu ngạo.
Do dám đánh cả trời (tề thiên) nên xưng danh là Tề Thiên Đại Thánh. Sau phải nhờ vòng kim cô mới khống chế được thói ngông cuồng.
Vòng kim cô thể hiện quyền năng siêu phàm của Phật. Nếu Phật không có tài, làm sao kìm chế được Ngộ Không? Tôn Ngộ Không dẫu cậy tài “cân đẩu vân”, nhưng bay nhảy chán cũng không ra khỏi bàn tay của Phật Tổ.
Trong cuốn “Những con đường tơ lụa, một lịch sử mới về thế giới” của Peter Frankopan (Nhà xuất bản Đà Nẵng 2019), Ashoka Đại Đế được mô tả là vị hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử Ấn Độ.
Ashoka, gọi theo tiếng Hán Việt là A-du-già, trị vì Ấn Độ từ năm 273 đến 232 trước Công nguyên. Ashoka đã toàn thắng trong hàng loạt các cuộc chinh phạt và là vị quân vương đầu tiên của nước Ấn Độ xưa đã thống nhất được một lãnh thổ vĩ đại, lớn hơn diện tích Ấn Độ ngày nay.
Quốc huy của Ấn Độ hiện nay là bản sao của cột đá Ashoka. Quốc kỳ Ấn Độ với thiết kế bánh xe 24 nan hoa gọi là “Ashoka Chakra” nghĩa là “Bánh xe pháp Ashoka”.
“Bánh xe pháp” chính là hành trình quy phật hoằng pháp của Ashoka, lan tỏa tinh thần Phật giáo ra thế giới.
Sau khi chứng kiến quá nhiều chết chóc trong chiến tranh mở rộng đế quốc của mình, Ashoka đã quy y Tam bảo và lập nhiều bia đá ghi lại những thánh tích trong cuộc đời cứu khổ cứu nạn của Phật Thích Ca.
Tên tuổi Ashoka gắn liền với việc lưu truyền, phát triển Phật giáo ra khắp châu Á. Các bảo tháp hay đền thờ Phật được xây dựng, trở thành các điểm hành hương, trong khi các kinh Phật chỉ ra cách cư xử tại các địa điểm hành hương khiến những lý tưởng Phật giáo trở nên thực tế hơn và hữu hình hơn.
Đây là những nỗ lực có chủ ý của Ashoka để làm cho Phật giáo nghe được, nhìn được, cho phép nó cạnh tranh tốt hơn với các tôn giáo cùng thời.
Vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, sự truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ dọc theo các con đường của các thương nhân, nhà sư và du khách đã lan truyền về phía đông, qua dãy núi Pamir vào Trung Quốc. Đây là dữ liệu để Ngô Thừa Ân sáng tác siêu phẩm “Tây du ký” kể về hành trình lấy kinh của người Trung Quốc.
Trong lịch sử, đến những năm 460, tư tưởng, thực hành, nghệ thuật và hình ảnh Phật giáo đã trở thành một phần chủ đạo ở Trung Quốc, cạnh tranh mạnh mẽ với Nho giáo truyền thống.
Với tài năng và quyết tâm tôn vinh giá trị Ấn Độ, công đức của Ashoka đã được gắn trên Quốc kỳ nước này. Nếu chỉ có nguyện vọng tốt mà không có khả năng hành động quyết liệt thì làm sao tên tuổi Ashoka trường tồn với thời gian?
Ở Trung Quốc, cuốn “Chiến quốc sách” ghi chuyện Tô Đại trình bày với Yên Chiêu vương về 2 loại người có đức và có tài. Một loại là người có đức hạnh tốt: hiếu như Tăng Tham, tín như Sinh Cao, liêm như Bào Tiêu. Cụ thể Tăng Tham hiếu kính với cha; Sinh Cao không lừa bịp người khác; Bào Tiêu không ăn trộm tiền của người khác.
Đó là những việc tốt nhưng không thể so với những người vừa có đức hạnh vừa có chí tiến thủ, có nguyện vọng và thực lực giúp vua dựng nghiệp lớn. Người có đức hạnh và thực lực ấy mới có lợi cho nước, cho dân.
Trong truyện cổ tích Việt Nam, nếu Bụt chỉ hiền lành, tốt bụng, không có phép màu thì làm sao năm lần bảy lượt giúp được cô Tấm mồ côi bị mẹ kế hành hạ?
Ngày xưa nói người hiền là người hiền tài, giỏi giang chứ không phải hiền lành theo cách hiểu bây giờ. Người được thờ phụng dẫu không tài đức vẹn toàn chắc chắn cũng phải là người có công với nước, với dân. Không thấy ở đâu thờ người có lòng tốt thuần túy.
Đức Phật nói đời là bể khổ, nước mắt chúng sinh dồn lại nhiều hơn nước bốn đại dương. Vì vậy, tốt là phải giúp được cho đời. Công lao với đời được dân ghi ơn, thờ phụng.
Nên chăng, câu “hiền như Bụt” xin được hiểu là “hiền tài như Bụt” chứ không phải “hiền lành như Bụt”.
dhq