ĐẶT TÊN VÀ VINH DANH
Báo Nhật Asia Nikkei đưa tin, tại Vương quốc Anh, một trường thành viên của Đại học Oxford là trường Linacre College đề nghị đổi tên thành trường Thảo College, theo tên của nữ tỷ phú Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo vừa ký tài trợ hơn 4.800 tỉ đồng cho nhà trường xây dựng, phát triển.
Việt Nam có lịch sử lâu dài đấu tranh chống ngoại xâm, nên các công trình chủ yếu được đặt theo tên những anh hùng cứu quốc. Nước Pháp cũng có nhiều tượng đài vinh danh những anh hùng cứu quốc, nhưng cũng có tháp Eiffel mang tên kỹ sư Gustave Eiffel, người thiết kế và xây dựng một công trình biểu trưng cho nước Pháp.
Ở Sài Gòn có đường Alexandre de Rhode, mang tên một người Pháp có công hệ thống hóa và truyền bá chữ quốc ngữ để người Việt chúng ta có chữ viết hôm nay. Ở Nha Trang có Viện Pasteur, vinh danh nhà sinh học Pháp Louis Pasteur với những cống hiến về tiêm chủng cho nhân loại.
Dù rất ít, nhưng Hà Nội giờ cũng có một số con đường mang tên doanh nhân. Đường Bạch Thái Bưởi được đặt để vinh danh “vua tàu thủy, bậc anh hùng kinh tế” đầu thế kỷ XX. Năm 2018, Hà Nội chính thức có tuyến phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Doanh nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Chính phủ Cách mạng trên 5 nghìn lượng vàng, tương đương số tiền gấp đôi toàn bộ ngân khố của Chính phủ lúc bấy giờ.
.jpg)
Dời quan trường, Nguyễn Công Trứ cưỡi bò về quê.
Đánh giặc và dựng xây đều là có công với nước. Trong cuốn “Quốc sử tạp lục” của Nguyễn Thiệu Lâu (Nhà xuất bản Hội nhà văn- 2018) có ghi, sau khi đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, tháng 3 năm Mậu Tý (1828), thị lang Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin vua cho khai khẩn ruộng hoang để cứu giúp dân đói. Minh Mạng là vị vua có tầm nhìn xa trông rộng, đã chuẩn tấu cho Nguyễn Công Trứ làm chức dinh điền sứ (chức quan phụ trách khai khẩn đất hoang).
Ở gần biển thời ấy có một dải đất gọi là bãi Tiền Châu, lau sậy hoang vu, giặc thường trốn núp. Nguyễn Công Trứ đến bèn chiếu dụ, dạy bảo dân, ngắm đo đất hoang chia cấp cho dân chúng, cả thảy được 14 lý, 27 ấp, 20 trại, số đinh 2.250 người, ruộng khai hoang được 18.970 mẫu. Tháng 10 năm 1828, Nguyễn Công Trứ tâu xin vua cho lập một huyện mới đặt tên là Tiền Hải, nay thuộc tỉnh Thái Bình.
Năm Nhâm Thìn (1832), vua lại cho Nguyễn Công Trứ làm bố chánh sứ tỉnh Hải Dương, tổng đốc Hải An. Trứ tâu xin đắp đê ngăn nước mặn, khai hoang đất Quảng Yên, Yên Hưng được 3.500 mẫu ruộng. Hải An, Quảng Yên là dải đất suốt từ Hải Phòng qua Quảng Ninh đến Móng Cái ngày nay.
Trở lại câu chuyện Phan Bá Vành khởi loạn. Sử sách ghi chép dân đói đi theo, ca ngợi Bá Vành như vị cứu tinh. Nay ở vùng Thái Bình, Nam Định còn câu ca dao "Trên trời có ông sao Tua, ở dưới hạ giới có vua Bá Vành". Nguyên nhân dân chúng nổi loạn là do mấy năm liền khi thì đại hạn, năm lại bão mưa, xóm làng xơ xác, dân chúng điêu linh. Năm Ất Dậu (1825), Hải Dương, Nam Định đại hạn, nước mặn tràn lên, không cày cấy được. Trong 13 huyện trấn Hải Dương, dân đói, lưu tán hơn 100 làng, ruộng bỏ hoang 12.700 mẫu.
Vì thế khi loạn Phan Bá Vành vừa được dẹp xong, Nguyễn Công Trứ nghĩ ngay đến khai hoang cho dân có đất sống. Đó mới là trị loạn tận gốc. Nguyễn Công Trứ là quan văn, nhưng không phải dạng “hủ nho” mà là "nho tướng". Được bổ dụng làm tư nghiệp ở Quốc Tử Giám, nhưng ông lại muốn "xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, đem hai chữ trung trinh báo quốc". Là vị tướng có học, sau dẹp loạn, Nguyễn Công Trứ đề xuất và thực hiện nuôi dân, dạy dân, có thế mới tránh được các cuộc nổi dậy của nông dân như khởi nghĩa Phan Bá Vành.
.jpg)
“Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi.
Nói đến huyện Tiền Hải, sử sách không quên công lao Nguyễn Công Trứ. Công dẹp loạn và công khai khẩn, hai việc đều thành tựu rực rỡ. Với dân chúng quanh vùng, đời đời họ tri ân vị tướng quân vì có công khai hoang mở đất. Ở xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải ngày nay có đền thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ mà không phải là đền thờ Tướng quân Nguyễn Công Trứ.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn chủ yếu viết về làng quê. Ông bảo ở các làng Việt xưa, người bỏ công bỏ của xây dựng làng được gọi tôn kính là cụ hậu. Sống cụ hậu được ngồi chiếu trên, trên cả quan chức lý dịch; chết được cả làng cúng giỗ. Điều đó khuyến khích người ta vì gia đình, dòng họ mà làm giàu, vì làng xã mà cống hiến. Công lao với làng, với nước, dân đều biết. Trong dân gian vẫn có câu rằng “Thương dân, dân lập đền thờ; hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”.
dhq