CHUYỆN CHỈ CÓ Ở BIỂN ĐẢO TRƯỜNG SA
Trong những ngày biển lặng cuối tháng Tư năm 2018, tôi tham gia cùng đoàn kiều bào từ 24 nước về thăm quần đảo Trường Sa thân yêu. Sau 3 hồi còi chào đất liền, tàu kiểm ngư KN 491 rời Cảng Quốc tế Cam Ranh rẽ sóng thẳng hướng phía Đông, nơi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được đánh dấu bởi quần thể những đảo chìm, đảo nổi.
Sau 2 ngày lênh đênh, bốn phía chỉ có trời và biển, đến cánh chim hải âu cũng vắng bóng, vì vậy, mọi người đều háo hức khi nhìn thấy mờ xa một dải đất nhỏ: Song Tử Tây, đảo cực bắc của quần đảo Trường Sa.
PHỤ NỮ NGẠI ... KHÁM BỆNH
Trên đảo Song Tử Tây có chùa, có tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, có trường tiểu học, trạm y tế, có quân và dân ngày đêm canh giữ biển trời. Nhiều năm công tác trên quần đảo Trường Sa, bác sĩ Lê Thành Hùng có những kỷ niệm khó quên.
Một lần thuyền ngư dân cập đảo vì có người đau bụng dữ dội, triệu chứng viêm ruột thừa cấp. Tiến hành phẫu thuật thì không phải đau ruột thừa. Kíp mổ định đóng ổ bụng lại nhưng bác sĩ Hùng không yên tâm. Anh lần xuống đoạn ruột già tiếp giáp ruột non thì phát hiện mẩu xương cá dài 7cm. Khi bệnh nhân tỉnh lại, hỏi chuyện thì hóa ra ông ta ăn mì tôm nấu với cá, nuốt nguyên mẩu xương cá mà không biết.
Còn những chuyện hi hữu về y tế mà ở đất liền hiếm gặp. Chị em ở đất liền đi khám sản, khám phụ khoa với bác sĩ nam giới là chuyện bình thường. Người tứ xứ, họ đến khám, xong rồi đi, chẳng mấy khi bác sỹ gặp lại bệnh nhân. Nhưng trên đảo thì khác. Xã đảo Song Tử Tây có chưa đến chục hộ dân sinh sống, sau thăm khám, bác sĩ và chị em thường xuyên gặp mặt nhau, khó tránh khỏi ngượng nghịu. Vì thế, chị em rất ngại đi khám, chồng họ có khi cũng không muốn. Trên các đảo chìm, còn có những chuyện mà khi ở đất liền, ta chẳng thể nhận ra.
NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐẶC BIỆT TRÊN ĐẢO CHÌM
Nằm cách đảo nổi Song Tử Tây (Southwest Cay) hơn 6 km về phía Tây Nam là đảo Đá Nam (South Reef), một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Các đảo chìm diện tích rất hẹp, chỉ vài chục đến vài trăm mét vuông. Đây là các rạn san hô nhô lên khi thủy triều xuống thấp. Giữa nghìn trùng trời nước, Đá Nam thật nhỏ bé.
Chúng tôi, những người lên đảo chìm một hai giờ trong chuyến hải trình, không thể hiểu hết những tháng ngày dài bất tận và gian khó khôn cùng của các chiến sỹ ta ngày đêm bám đảo. Nắng thiêu, bão biển có khi cũng không khổ bằng nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Vì vậy, trên đảo, bộ đội ta nuôi chó để vừa giúp canh phòng vừa làm bầu bạn.
Ban ngày, khi cùng bộ đội ta đón ngư dân từ những thuyền cá ghé qua đảo hay đón những đoàn khách như chúng tôi, những chú chó luôn rất hiền lành, đáng yêu. Nhưng ban đêm, khách không mời mà gần tới đảo sẽ lập tức bị phát hiện bởi lực lượng canh phòng đặc biệt này.
Có một chuyện khá hi hữu mà chỉ khi ra đảo chìm, nghe cán bộ chiến sỹ ta kể, mọi người mới hiểu và càng cảm thông, chia sẻ với cuộc sống nơi đây. Trở về đất liền sau chuyến thăm Trường Sa, trên facebook của mình, tác giả Hoàng Trường ghi lại: “Chó được các chiến sĩ từ nhiều miền quê khác nhau mang ra đảo nên có nhiều loài. Sau một thời gian, đàn chó đã sinh sôi nảy nở với thế hệ F1, thậm chí F2. Tuy nhiên những chú chó F2 thường bị “đơ” do sinh cận huyết. Các chiến sĩ ta lại có sáng kiến đổi các chú chó ấy từ đảo này sang đảo khác để có đàn chó luôn khoẻ mạnh”.
Trước đây, khi còn làm ở đài truyền hình, tôi đã rất tâm đắc khi xem phóng sự dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc kể về sáng kiến trồng rau xanh trên đảo chìm của các chiến sĩ hải quân. Lần này, bước chân của chính mình lên được 5 đảo chìm, chứng kiến những mầm xanh của mồng tơi, rau cải vươn lên giữa bốn bề biển mặn; tận tay ôm ấp, ve vuốt những chú chó dễ thương, tôi càng cảm phục tinh thần vượt khó, mưu trí, sáng tạo của những người lính biển.
GIỖ TỔ Ở TRƯỜNG SA
Chuyến thăm Trường Sa lần này của chúng tôi càng ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018. Lần đầu tiên được tham dự Giỗ Tổ 10/3 trên vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, mọi người đều rất xúc động. Với riêng tôi còn là một vinh dự to lớn khi được thay mặt những người con đất Tổ phát biểu trước hơn 200 cán bộ, chiến sỹ hải quân, các đại biểu đoàn ngoại giao và đại diện các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ngày giỗ Tổ trong đất liền, các tỉnh thành có nơi thờ tự vua Hùng và tướng lĩnh của vua đều tổ chức cúng giỗ. Với tinh thần “cả nước hướng về đền Hùng”, Đài PTTH Phú Thọ thu nhận tin tức của các vùng miền gửi để phát sóng tối 10/3. Không có mạng internet để gửi tin về, tôi đã viết những dòng sau gửi qua tin nhắn điện thoại:
“Giỗ Tổ Hùng Vương trên quần đảo Trường Sa.
Hôm nay, hơn 200 đại biểu đại diện Bộ Ngoại giao, cán bộ chiến sĩ hải quân và kiều bào ta từ 24 quốc gia đã trọng thể tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng trên quần đảo Trường Sa.
Thay mặt đoàn công tác, Đại sứ Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã bày tỏ sự tri ân của người Việt trên toàn thế giới đối với công đức của các vua Hùng đã dựng xây đất nước.
Dù sinh sống xa quê hương nhưng ngày Giỗ Tổ 10/3 luôn là dịp để kiều bào ta tụ hội, nhân lên sức mạnh chung một cội nguồn. Giỗ Tổ Hùng Vương trên quần đảo Trường Sa, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thuyết 50 con theo Mẹ Âu Cơ lên rừng, 50 con theo Cha Lạc Long Quân xuống biển và thể hiện quyết tâm chung tay góp sức giữ gìn biển đảo thân yêu của Tổ quốc”.
Nhận được tin nhắn của tôi, Ban Biên tập Thời sự Phú Thọ quyết định phát sóng ngay. Nhưng họ muốn có thêm hình ảnh. Video thì không thể, chỉ cần vài ảnh tĩnh. Tôi đã hỏi và nhờ các nhà báo trong nước và kiều bào cách chuyển ảnh về. Nhưng không ai làm nổi vì trên đảo Trường Sa Lớn cũng không có mạng internet. Tin ảnh, video, tất cả các báo đài đều phải chờ khi về đất liền mới đưa tin (đó cũng là quy định của đoàn).
Nhưng tôi không thể không đưa vài hình Giỗ Tổ Hùng Vương lần đầu tiên tổ chức trên biển Trường Sa. Cuối cùng, tôi đánh liều nhờ Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, người đã có sáng kiến và chỉ đạo tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương trên quần đảo Trường Sa.
Tôi bảo anh Thái: "Cái máy bay trên trời phải có điều khiển từ mặt đất. Cái tàu thủy giữa biển khơi chắc cũng phải có đường truyền tín hiệu với đất liền. Chắc chắn các anh có đường truyền. Không có ai giúp được em, không còn cách nào truyền được vài cái ảnh về Đài PTTH Phú Thọ. Chỉ có anh mới giúp được, giúp riêng em thôi!". Thấy tôi quá khẩn khoản, tướng Thái đã đồng ý. Bằng con đường riêng của hải quân, các chiến sĩ trên tàu KN491 đã giúp tôi chuyển được 3 cái ảnh về bờ Cam Ranh, rồi từ đó chuyển sang định dạng thường, gửi ra Đài PTTH Phú Thọ. Tin của tôi được phát sóng Thời sự Phú Thọ ngay tối 10/3 âm lịch.
Chúng ta đang sống quen với một thế giới tiện nghi bao phủ bởi mạng di động. Với nhiều người, dường như không thể một ngày thiếu vắng google, email, facebook, zalo... Trường Sa Lớn là thị trấn của huyện đảo Trường Sa. Đến với nơi đây, đô thị không có chợ, thị trấn không có mạng, ta không chỉ cảm thông với quân dân trên đảo, mà còn nhận ra rằng, thế giới ảo không có trên quần đảo. Chỉ có cuộc sống thực trần trụi với phong ba, bão táp, bàng vuông... những loài cây kiên cường bám trụ Trường Sa cùng những người chiến sĩ, bất chấp nắng thiêu, bão biển.
Gặp đồng hương Phú Thọ, đại úy Nguyễn Việt Tiệp (quê Phù Ninh) đã tặng tôi cây bàng vuông với lời nhắn gửi đất liền hãy yên tâm vì giữa sóng gió Trường Sa, nơi tuyến đầu Tổ quốc, luôn có các anh, súng chắc trong tay và dưới ngực áo, một trái tim bỏng cháy.
“Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa, trong lòng người có ngọn sóng nào không?”, lời hát thật day dứt không nguôi. Thăm Trường Sa, chứng kiến cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn và tinh thần, bản lĩnh của quân dân trên đảo, ta càng trân trọng những phút giây thanh bình cuộc đời đang mang lại. Tạm biệt vùng biển đầu sóng ngọn gió, trở về đất liền yên ả, mỗi người dường như đều thấy “trong lòng mình có ngọn sóng trào dâng”.
dhq