BAO DUNG ẮT ĐƯỢC BÁO ĐỀN

Vua Charles II thấy có người bị treo lên cột, bèn hỏi: Tại sao hắn bị phạt? Quân sĩ đáp: Vì hắn làm thơ châm biếm các vị bộ trưởng ạ! Hắn ta điên rồi- vua nói- Nếu hắn viết thơ châm biếm ta, gửi thẳng cho ta thì chẳng ai bị phạt cả! Đây là câu chuyện được Mongtesquieu dẫn trong cuốn “Tinh thần pháp luật” (Nhà xuất bản Lý luận Chính trị- năm 2006) để nói về sự bao dung.
Sách “Cổ học tinh hoa” (Nhà xuất bản Hội nhà văn- năm 2019) kể chuyện thời Xuân Thu bên Trung Quốc, vua Trang Vương nước Sở cho các quan dự tiệc rượu. Đang lúc rượu say, đèn nến bỗng bị gió tắt cả. Một viên quan thừa cơ kéo áo cung nữ được vua rất yêu. Người cung nữ nắm lấy, giật đứt giải mũ người đó, rồi tâu với vua rằng: Có kẻ kéo áo ghẹo thiếp, thiếp đã giật được giải mũ, xin cho thắp đèn ngay để khám xem ai đứt giải mũ thì xử tội.
Vua gạt đi nói: Thôi! Không làm gì! Cho người ta uống rượu, để người ta say, quên cả lễ phép, lại nỡ nào vì chuyện này mà sỉ nhục người ta! Rồi vua lập tức ra lệnh rằng: Ai uống rượu với quả nhân hôm nay mà không say đến dứt đứt giải mũ là chưa được vui. Các quan theo lệnh, đều dứt giải mũ. Vì vậy, suốt buổi tiệc được vui vầy ổn thoả. Người đời sau gọi tiệc rượu hôm ấy là “tuyệt anh hội” (tiệc dứt giải mũ).
Hai năm sau bữa tiệc tiệc dứt giải mũ, nước Sở đánh nhau với nước Tấn. Đánh luôn 5 trận mà trận nào cũng thấy một viên quan võ liều sống, liều chết xông ra trước mà đánh rất hăng, làm cho quân Tấn phải lùi.
Sở Trang Vương lấy làm lạ cho đòi viên quan ấy đến hỏi: Quả nhân đãi nhà ngươi cũng như mọi người khác, cớ sao nhà ngươi lại hết lòng giúp quả nhân khác người như vậy? Viên quan thưa rằng: Thần rắp tâm muốn đem tính mệnh để hiến nhà vua đã lâu. Mãi đến bây giờ mới gặp dịp báo đền nghĩa xưa, thực là may cho thần lắm. Thần chính là người trước bị cung nữ dứt giải mũ mà nhà vua không nỡ xử tội đấy.
Biển sở dĩ rộng vì hạ mình xuống thấp nhất, dung nạp được nước từ trăm nghìn con sông. Khoan dung đại độ là phẩm chất cần có của kẻ bề trên. Cổ ngữ có câu: Cái trán của tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa. Cái bụng của tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền.
Hán vương Lưu Bang độ lượng bao dung nên dùng được quân sư Trần Bình. Sở vương Hạng Vũ hẹp hòi đố kị khiến quân sư Phạm Tăng phải chết. Vì vậy, Lưu Bang dù yếu hơn Hạng Vũ nhiều lần, nhưng kết cục “Hán Sở tranh hùng”, ông lại là người giành được thiên hạ, sáng lập nên nhà Hán.
Năm 200, trận Quan Độ là một bước ngoặt trong lịch sử Tam Quốc. Tào Tháo chỉ có 7 vạn quân đã đánh thắng 70 vạn quân của Viên Thiệu. Khi tìm được một hòm đựng mật thư của các quan dưới trướng Tào Tháo liên lạc với Viên Thiệu trước đó, quân sĩ bẩm Tào Tháo chiếu theo tên tuổi mà xử trảm.
Tào Tháo bảo trong lúc thế của Viên Thiệu hùng mạnh, nhiều người e sợ, muốn thư từ đi lại với họ Viên để chừa một đường lui cho mình, âu cũng là lẽ thường. Rồi Tào Tháo dùng một mồi lửa đốt hết hòm thư tín để an lòng quan quân.
Khi Lưu Bị hùng hổ dẫn đại quân nước Thục tiến đánh Đông Ngô, Tôn Quyền cử Lục Tốn ra cự địch. Lục Tốn dùng mưu nhử địch, rút hết thành này đến thành khác. Quan lại Đông Ngô không hiểu, cho là Lục Tốn sợ địch, dâng nhiều tấu sớ đòi truất quyền Lục Tốn.
Tôn Quyền đến trước mặt Lục Tốn, dùng một mồi lửa đốt hết tấu sớ để Lục Tốn yên lòng dùng mưu. Kết quả, Lưu Bị kiêu ngạo bị bại dưới tay Lục Tốn. Với mồi lửa đốt thư tín và tấu sớ, Tào Tháo và Tôn Quyền đã chứng tỏ những phẩm chất minh quân trong thời Tam Quốc tranh hùng.
Đầu thời Trần ở Việt Nam được gọi là thời thịnh Trần và cũng là thời đại khoan dung trong lịch sử dân tộc. Trần Quốc Tuấn yêu công chúa Thiên Thành nhưng Thiên Thành lại bị gả cho người khác. Hai người không chịu, đã lén lút tư thông với nhau. Trước sự việc này, vua Trần Thái Tông không trị tội mà còn gả công chúa Thiên Thành cho Trần Quốc Tuấn.
Chuyện nữa, gia đình Trần Quốc Tuấn và gia đình Trần Quang Khải vốn có hiềm khích. Trước khi chết, Trần Liễu dặn con là Trần Quốc Tuấn phải báo thù nhà. Nhưng trước họa xâm lăng của giặc Mông Nguyên, Trần Quốc Tuấn đã bỏ thù riêng, tập trung việc nước.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (Nhà xuất bản Hồng Đức- năm 2020) chép rằng Trần Quốc Tuấn tự tay tắm nước thơm cho Trần Quang Khải, xóa bỏ hiềm khích, cùng dốc lòng chống giặc ngoại xâm. Không có sự khoan dung trên đây của vua tôi nhà Trần, có lẽ lịch sử dân tộc ta đã rẽ theo hướng khác.
dhq