Trung Quốc-Arab cùng chia sẻ tương lai trong kỷ nguyên mới
Saudi Arabia lên lịch đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Arab vào tuần tới, trong bối cảnh Bắc Kinh và Riyadh đang nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ và thúc đẩy tầm nhìn về một thế giới đa cực.
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Arab dự kiến diễn ra vào ngày 9/12 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Saudi Arabia.
|
Một góc Saudi Arabia. (Nguồn: VCG) |
Sự tin cậy chiến lược và tương lai sẻ chia
Theo Global Times, trước thềm hội nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một báo cáo dài xem xét đầy đủ các mối quan hệ lâu dài của Trung Quốc với các nước Arab và nhấn mạnh sự tin cậy chiến lược trong quan hệ Trung Quốc-Arab trong kỷ nguyên mới.
Giáo sư Liu Zhongmin (Viện Nghiên cứu Trung Đông của Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải) nhận định, báo cáo là bản đánh giá và tóm tắt toàn diện về quan hệ Trung Quốc-Arab, từ các mối giao lưu lịch sử và xây dựng quan hệ chiến lược trong các lĩnh vực khác nhau đến việc làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị, hợp tác thương mại và trao đổi văn hóa, đưa ra nguyên tắc về quan hệ Trung Quốc-Arab và định hướng phát triển trong tương lai.
Với tiêu đề "Hợp tác Trung Quốc-Arab trong kỷ nguyên mới", báo cáo dài gần 19.000 từ trình bày chi tiết về tình hữu nghị trải dài hàng nghìn năm giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab, quan hệ Trung Quốc-Arab trong kỷ nguyên mới, sự phát triển nhanh chóng của hợp tác hai bên trong bối cảnh những thay đổi đan xen và việc xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Arab có tương lai chung.
Theo báo cáo, cả Trung Quốc và các nước Arab đều ủng hộ tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. Cả hai đều phản đối sự can thiệp từ bên ngoài cũng như tất cả các hình thức bá quyền và chính trị quyền lực.
Một số nước đang kêu gọi cái gọi là “thuyết khoảng trống quyền lực ở Trung Đông” trong khi Trung Quốc luôn cho rằng không có “khoảng trống quyền lực” đó. Người dân Trung Đông làm chủ tương lai và vận mệnh của khu vực, do đó, cộng đồng quốc tế nên tôn trọng địa vị chủ nhân của các quốc gia và người dân trong khu vực.
Giữa những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong thế kỷ, Trung Quốc và các quốc gia Arab phải đối mặt với những cơ hội và thách thức tương tự. Bắc Kinh từ lâu đã coi các quốc gia Arab là đối tác chiến lược trong việc theo đuổi sự phát triển hòa bình, hợp tác hơn nữa với các nước đang phát triển và xây dựng một cộng đồng với tương lai sẻ chia cho nhân loại. (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, ngày 1/12) |
Cơ chế cấp cao làm tăng tốc hợp tác hai bên
Theo ông Zhu Yongbiao, giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Vành đai và con đường ở Đại học Lan Châu, quan hệ của Trung Quốc với các nước Arab dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau một cách trung thực.
“Không giống như Mỹ luôn áp đặt thêm các điều kiện địa chính trị đối với sự hợp tác của họ với các nước Arab, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Arab là có đi có lại và mang lại lợi ích cho người dân của cả hai bên”, ông nói.
Hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến thăm Trung Đông nhằm trấn an về cam kết của Washington đối với khu vực. Tuy nhiên, kết quả chuyến thăm không có gì ấn tượng.
Ngoài ra, Saudi Arabia và Mỹ xung đột nhau về quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, phản ánh xu hướng điển hình của Washington là hy sinh lợi ích của Riyadh để đáp ứng lợi ích chiến lược của chính mình ở Trung Đông.
Các chuyên gia Trung Quốc lưu ý rằng, điều này tương phản rõ rệt với sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Arab, vốn không liên quan đến đấu tranh địa chính trị mà nhằm mục đích phát triển cho cả hai bên.
|
Một tàu chở dầu cập cảng tại một cơ sở tiếp nhận ở cảng Zhoushan, tỉnh Chiết Giang ở phía Đông Trung Quốc. (Nguồn: CNS) |
Theo báo cáo, Trung Quốc sẵn sàng coi việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Arab lần thứ nhất là cơ hội để hợp tác với các nước Arab nhằm thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống, không ngừng làm phong phú và sâu sắc hơn mô hình hợp tác sâu rộng, toàn diện, nhiều mặt và đa cấp độ, cùng nhau xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Arab có tương lai chung trong kỷ nguyên mới vì lợi ích của tất cả các bên.
Giáo sư Liu Zhongmin nhận định, hội nghị "là một cơ chế cấp cao mới trong hợp tác Trung Quốc-Arab, giúp quan hệ tăng tốc và nâng cấp trong tương lai".
Báo cáo cũng đưa ra các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, chẳng hạn như thúc đẩy Sáng kiến vành đai và con đường (BRI), tăng cường xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ từ các quốc gia Arab sang thị trường Trung Quốc và hỗ trợ hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Arab trong các lĩnh vực như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng do tính chất bổ sung cao về năng lượng, hội nghị sắp tới sẽ tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực này và thúc đẩy thăm dò trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng hạt nhân và năng lượng mới.
Ông Zhu Yongbiao cho hay, hội nghị " cũng có khả năng tập trung vào an ninh năng lượng và an ninh khu vực, chẳng hạn như cách giải quyết những bất ổn đang gia tăng như khủng hoảng lương thực và năng lượng cũng như biến đổi khí hậu, vốn cũng có thể là trọng tâm của hợp tác Trung Quốc-Arab trong tương lai".
Reuters hôm 30/11 cho hay, Chủ tịch Trung Quốc dự định tới thăm Riyadh vào ngày 7/12, đúng vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ song phương giữa Saudi Arabia và Mỹ, vốn bất đồng do vấn đề nguồn cung năng lượng và lo ngại tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở khu vực Trung Đông.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, phái đoàn Trung Quốc được cho là sẽ ký kết hàng chục thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với các nước vùng Vịnh và các quốc gia Arab khác trong lĩnh vực năng lượng, an ninh và đầu tư.
|
Theo; TG&VN