Người “ngón chân chẻ” và người Giao Chỉ
DƯ HỒNG QUẢNG
Xưa người Hoa coi mình là trung tâm của thế gian, nhưng người Nga lại không gọi họ là Trung Quốc. Do bị đội quân Khiết Đan (một tộc người phía Bắc Trung Quốc) đánh phá ác liệt, nên nhắc đến vùng đất bên kia dãy Thiên Sơn, người Nga đều nhớ về Khiết Đan (tiếng Nga đọc là Kitai). Từ đó người Nga gọi luôn Trung Quốc là Kitai. Còn người phương Tây gọi Trung Quốc là China.
Mũ áo con cháu rồng tiên của người Việt
Nếu người Hoa coi mình là trung tâm của văn minh (Trung Hoa) thì người Nhật tự coi mình là hậu duệ của Mặt trời. Nhật Bản xuất phát từ chữ nguồn gốc (bản) của Mặt trời (nhật), Nhật Bản là “đất nước Mặt trời mọc”. Người Nhật tự hào về nguồn gốc cao quý của họ. Còn các nước thì nhớ những gì khác biệt người Nhật mang ra thế giới.
Giày xỏ ngón truyền thống của người Nhật
Trong cuốn sách “Súng, vi trùng và thép” (Nhà xuất bản Tri thức, năm 2007), tác giả Jared Diamond cho rằng, phát minh đồ gốm là thay đổi quan trọng nhất khi kết thúc kỷ băng hà, cũng là phát minh quan trọng nhất trong thời tiền sử Nhật Bản.
Lần đầu tiên trong lịch sử, cách đây khoảng 12.700 năm, con người làm ra những vật dụng kín chứa được nước. Trước đây, thức ăn nướng trên lửa thì dễ bị cháy. Khi dùng đồ gốm nấu chín, có thức ăn mềm cho trẻ, giúp người mẹ cai sữa sớm hơn, thời gian cách quãng để sinh con ngắn hơn, khiến dân số ngày càng đông hơn. Người già răng yếu vẫn ăn được thức ăn bổ dưỡng như hạt dẻ, quả óc chó được nấu chín mềm nên họ có thêm sức khỏe, sống lâu hơn. Người già là kho lưu trữ trí khôn của xã hội, khi sống lâu hơn, họ có thêm thời gian truyền kinh nghiệm cho con cháu. Đồ gốm, vì thế, đã kích thích bùng nổ dân số và thúc đẩy văn minh Nhật Bản.
Ngón chân Giao Chỉ của người Việt cổ
Sản xuất đồ gốm, người Nhật cổ xưa dùng dây thừng ấn lên vỏ bình, vỏ lọ khi đất sét còn mềm. Cách trang trí như vậy gọi là “thằng văn”, tức là “hoa văn dây thừng”, tiếng Nhật gọi là jomon. Các nước tiếp nhận đồ gốm jomon nên gọi người Nhật là người Jomon, sau biến âm là Japon, bây giờ gọi là Japan.
Ngày nay “Made in Japan” không chỉ là thương hiệu, mà còn là quyền lực trong cạnh tranh thương trường quốc tế. Toyota, Honda là những thương hiệu làm vang danh Nhật Bản.
Trong cuốn sách “Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc” (Nhà xuất bản Thế giới, năm 2018), người Hàn Quốc từng gọi người Nhật Bản là “người ngón chân chẻ”. Giày, tất truyền thống của người Nhật đều có thiết kế tách biệt giữa ngón chân cái với các ngón còn lại, nhìn mũi giày như bị chẻ đôi. Thiết kế xỏ ngón khác biệt này là nét riêng của người Nhật. “Hoa văn dây thừng”, “ngón chân chẻ”, rồi Honda, Toyota,... là những cái tên làm nên diện mạo riêng Nhật Bản.
Giày truyền thống của người Nhật khi tham gia lễ hội
Đến đây chợt nghĩ, thế giới gọi Việt Nam chúng ta là gì? Thuở hồng hoang, người phương Nam chúng ta xuống nước thì xăm mình theo vẩy rồng, trên cạn thì đội mũ gắn lông chim hạc và tự hào gọi mình là con rồng cháu tiên, có phong tục riêng, phân biệt với người phương Bắc.
Theo cuốn sách “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2020) thì nước Văn Lang thời các Vua Hùng chia làm 15 bộ, trong đó bộ Giao Chỉ thuộc vùng Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ngày nay. Sử sách Trung Quốc ghi năm 1.109 Trước công nguyên, người phương Bắc có giao thiệp với người Giao chỉ. Từ năm 111 Trước công nguyên, các nước đều gọi nước Nam ta là Giao Chỉ.
Có nhiều cách giải thích về nguồn gốc tên gọi Giao Chỉ. Theo cách hiểu thông thường thì chỉ là ngón chân cái; khi đứng thẳng, đặt hai bàn chân cạnh nhau, 2 ngón chân cái cong hướng về nhau, giao với nhau nên gọi là giao chỉ. “Ngón chân chẻ” và “giao chỉ” là những đặc điểm riêng, để gọi sự khác biệt giữa người Nhật và người Việt ngày xưa.
Qua quá trình đồng hóa, ngày nay sự khác biệt trên không còn rõ nét nữa nhưng bản sắc riêng vẫn luôn được coi trọng trong thế giới hòa nhập mà không hòa tan. Cái riêng biệt chính là những gì thế giới mong đợi ở mỗi nước, mà đó cũng là đóng góp của mỗi dân tộc vào sự đa dạng, phong phú của nhân loại. Xưa gốm, sứ làm thành tên gọi các nước Japan, China. Nay nói đồng hồ, người ta nghĩ đến Thụy Sĩ; nói Samsung, Hyundai, nghĩ đến Hàn Quốc; nói Microsoft, Facebook, nghĩ đến nước Mỹ.
Giày lười của người Việt
Phở, cà phê, áo dài, nón lá,... Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm được bạn bè các nước yêu thích. Khi 999 chiếc xe ô tô điện Vinfast đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tôi có một giấc mơ. Tôi mơ một ngày, ở đâu đó, bạn bè sẽ nói rằng, “người ngón chân chẻ” làm xe Toyota, người Giao Chỉ làm xe Vinfast./.
(HSSK 484: 10/12/2022)