Đưa Xoan “đối ngoại”
Hát Xoan trường tồn qua thời gian chủ yếu qua phương thức truyền miệng. Do đó, để Hát Xoan đúng và mượt mà cần phải có thời gian tập luyện công phu của các đào, kép của các phường Xoan.
Thực tế trước đây, phường Xoan chủ yếu là người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Sau này Hát Xoan không chỉ được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức và An Thái thuộc xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì) mà còn được duy trì thực hành, trình diễn ở 37 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp tỉnh với 1.557 thành viên tham gia, 64 câu lạc bộ cấp huyện với 1.325 thành viên và 42 câu lạc bộ cấp xã với 1.430 thành viên.
Việc nhà nhà Hát Xoan, người người Hát Xoan đã tạo nên mối quan hệ, sợi dây kết nối cộng đồng bền chặt, cũng vì thế nhiều người cho rằng chính Hát Xoan đã góp phần mở rộng “đối nội” ngay trên chính vùng Đất Tổ. Trên thực tế, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, phát triển vượt thời gian cho đến tận ngày nay.
Sự phục hồi mạnh mẽ của Hát Xoan trong một thập kỷ qua là kết quả nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là của cộng đồng Xoan tại các phường Xoan gốc trong việc tích cực triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản để đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Bắt đầu từ việc kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng, nhận diện những bài bản cốt lõi của Hát Xoan, hỗ trợ khẩn cấp và củng cố bốn phường Xoan gốc, tổ chức truyền dạy, đào tạo lớp nghệ nhân mới, đưa Hát Xoan vào trường học; tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích liên quan đến Hát Xoan…
Tuy là lớp nghệ nhân kế cận thuộc thế hệ 8X song Nguyễn Văn Quyết - “ông trùm” trẻ tuổi của phường Xoan Kim Đới khẳng định: Những làn điệu Xoan do ông cha truyền lại, chúng tôi có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ để tiếp tục truyền dạy cho những thế hệ sau.
Những năm gần đây, các chương trình biểu diễn Hát Xoan luôn được khách du lịch đặc biệt quan tâm khi về Phú Thọ. Theo ước tính, trung bình mỗi năm Trung Tâm Thông tin xúc tiến Du Lịch thực hiện tư vấn, hỗ trợ thông tin, phục vụ đón tiếp, thuyết minh hướng dẫn tham quan du lịch Phú Thọ cho trên 500 đoàn khách tham quan du lịch Phú Thọ với tổng số trên 2 triệu lượt khách. Trong đó du khách lựa chọn chủ yếu các điểm tham quan, trải nghiệm như: Đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn (thành phố Việt Trì), Đình Do Nghĩa (huyện Lâm Thao), Đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy)...
Có rất nhiều công ty lữ hành như quan tâm xây dựng tour du lịch gắn với chương trình Hát Xoan: Du lịch trải nghiệm Châu Á, Vietrantour, Saigontourist, Golden tour, Neworient tour, Newstar tour, Nam Thanh travel, Fivestar tour, Vinatour... đặc biệt Hát Xoan còn nhận được rất nhiều quan tâm của giới truyền thông, cơ quan báo đài trung ương và địa phương, giới nghệ sỹ nhiếp ảnh trên cả nước, giúp cho Hát Xoan có sức lan tỏa, sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch.
Hát Xoan khi xưa vốn chỉ vang vọng nơi sân đình trong dịp lễ hội, nay đã vang vọng khắp miền Đất Tổ, lan rộng đến nhiều địa phương trong cả nước. Hát Xoan còn lan tỏa đến cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân biểu diễn thuần thục các làn điệu Xoan, điều này làm du khách ngạc nhiên khi đến thăm các câu lạc bộ Xoan và dân ca ở huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn - nơi có đa số đồng bào Mường, Dao cư trú.
Có thể nói, Phú Thọ đã đi đúng hướng khi quyết tâm đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp để lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Sức sống ngàn đời của Hát Xoan càng được khẳng định rõ khi ta biết nâng niu, giữ gìn, biết khơi dậy giá trị di sản, biết dựa vào chính cộng đồng để làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa. Điều này đã lý giải một cách sinh động chỉ sau 6 năm Hát Xoan Phú Thọ từ chỗ cần bảo vệ khẩn cấp đã vươn lên thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguồn: Báo Phú Thọ