BI KỊCH CỦA NHỮNG NHÀ CẢI CÁCH
Thế kỷ XIX, Nhật Bản đẩy mạnh cải cách theo tư tưởng canh tân của nhà trí thức Fukuzawa đã giúp nước này từ phong kiến lạc hậu trở thành đại đế quốc.
Ở Việt Nam lúc bấy giờ cũng có một người mang hoài bão canh tân được gọi là "Fukuzawa nước Nam". Ông chính là Nguyễn Trường Tộ, người có học vấn sâu rộng, được người đời khen là Trạng Tộ. Noi gương Fukuzawa, ông dâng vua Tự Đức tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều) để chấn hưng đất nước.
Để tránh họa xâm lăng phương Tây, cần phải hiểu sức mạnh phương Tây. Nguyễn Trường Tộ khuyên nhà vua nên sai kẻ hiền tài vượt biển ra ngoài, nghiên cứu các phép đánh giữ của các nước lớn, học tập những cái khôn khéo của thiên hạ, dịch sách khoa học của họ ra tiếng nước Nam để mở mang dân trí.
Ông còn đề nghị nhà vua cho thành lập Bộ Ngoại giao (bên cạnh Lục bộ truyền thống) để chuyên quản về giao tế, thông thương, hội nhập với nước ngoài. Về chính sách đối ngoại, ông khuyên nhà vua nên học Xiêm La (Thái Lan).
Ông bảo nước ấy trước đây vốn chẳng có thế lực gì to lớn. Nhưng khi người phương Tây quấy động khiến họ chợt thức tỉnh. Họ bèn lấy Anh, Pháp làm bạn; lấy Ý, Bồ làm khách. Họ mời hết các nước trên thế giới đến buôn bán, du lịch, còn Xiêm La thì nghiễm nhiên trở thành ông chủ nhà đĩnh đạc, đàng hoàng, khiến nước lớn thì làm khách, nước nhỏ thì làm bạn, để nước nọ khống chế nước kia, chẳng cần đua đuổi cao xa mà cũng chia quyền lợi được với thiên hạ.
Chúng ta đều biết là nhờ có cải cách, canh tân mà Thái Lan và Nhật Bản là 2 nước châu Á giữ được độc lập trước họa xâm lăng của phương Tây.
Tiếc rằng triều thần nước Nam bấy giờ phần nhiều không hiểu thời cục, chỉ một mực thủ cựu, không ai tán thành đề xuất của Nguyễn Trường Tộ. Họ tìm mọi cách bài bác, gièm pha, công kích. Vua Tự Đức lại thiếu quả quyết. Bởi thế chương trình cải cách tốn bao tâm lực của Nguyễn Trường Tộ không được đem ra thực hành.
Nguyễn Trường Tộ qua đời khi mới 41 tuổi, để lại dòng thơ tâm sự ứa nước mắt “Ngửa lòng trả nợ nước nhà/ Người tuy chưa thấy, Trời đà thấy cho”. Đây là ghi chép trong cuốn Những nhà cải cách Việt Nam (Lê Minh Quốc, Nhà xuất bản Trẻ).
Giả thiết rằng các quan lúc bấy giờ đều là người tốt thì họ cũng khó lòng ủng hộ Nguyễn Trường Tộ chỉ vì thói đố kị “cái tốt hơn cũng là kẻ thù của cái tốt” (ngạn ngữ Đức).
Huống chi xung quanh Nguyễn Trường Tộ đầy quan tham, thủ cựu, hủ bại. Bi kịch của Trường Tộ, Khuất Nguyên cũng là nỗi đau chung của những nhà cải cách không gặp thời.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Trung Quốc có quan đại phu là Khuất Nguyên dâng vua Sở đề xuất "tân chính" (chính sách canh tân). Các quan sợ "tân chính" sẽ làm mất đặc quyền đặc lợi của mình nên nịnh hoàng hậu cản lại. Khi đang thiết triều, vua Sở sắp cho ban bố "tân chính" thì hoàng hậu kêu đau bụng. Vua chạy vào hậu cung thăm hoàng hậu, rồi có lệnh truyền ra: không ban hành "tân chính" nữa.
Sau đó quan tham lại mặc sức đục khoét, triều đình đổ nát. Vua Sở bị vua Tần bắt giam, chết trong ngục nước Tần. Khuất Nguyên ôm nỗi thất vọng "tân chính" trẫm mình xuống dòng sông Mịch La.
Cũng theo ghi chép trong cuốn "Sử ký" của Tư Mã Thiên thì Thương Ưởng là một trong những người có công cải cách, chấn hưng làm cho nước Tần trở nên hùng mạnh nhưng sau chính ông lại bị sát hại.
Thương Ưởng cho rằng những kẻ làm việc cao hơn người, thường bị thế tục chê bai; những kẻ có ý nghĩ lỗi lạc, thế nào cũng bị dân chúng trách móc. Vì vậy bậc thánh nhân nếu có thể tìm cách làm cho nước mạnh thì không bắt chước phép cũ, nếu có thể làm cho dân lợi thì không câu nệ ở thói xưa.
Trong lịch sử, nhiều người có tư duy mới, có dũng khí cải cách bị thất bại. Nhưng không vì bi kịch ấy mà hậu nhân không dám cải cách. Con đường phát triển của nhân loại là liên tục canh tân, là không có điểm dừng. Và những người cải cách vì dân luôn được tưởng nhớ như lời danh tướng Mỹ Douglas MacArthur: “Bạn được nhớ tới vì những luật lệ bạn phá vỡ”.
dhq