Có lẽ nhiều người tán thành điều này nên cuốn sách Dám bị ghét của Nhật Bản được xếp vào hàng những cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới. Theo cuốn sách này thì nhiệt độ của nước giếng quanh năm ổn định ở mức 18 độ C. Đây là con số khách quan, ai đo cũng vậy. Nhưng nước giếng uống vào mùa hè, ta cảm thấy mát lạnh, còn uống vào mùa đông lại cảm thấy ấm áp. Nghĩa là dù nhiệt độ trên nhiệt kế luôn giữ ở mức 18 độ C nhưng cảm nhận vào mùa hè và mùa đông lại khác nhau. Dù người đời cảm nhận thế nào thì nước giếng vẫn là chính mình, vẫn 18 độ C.
Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda University) kể ngày 11/5/1891, khi thăm Nhật Bản, thái tử Nga Nicholas Đệ nhị đã bị ám sát hụt. Đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng đến đế quốc Nga, một nước lớn và hùng mạnh. Nga rất tức giận và yêu cầu Nhật tử hình kẻ ám sát. Nhưng đối chiếu với luật pháp của Nhật lúc đó thì tội này mới bị tù chung thân chứ chưa đến mức phải tử hình.
Lãnh đạo Nhật phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn: Làm theo yêu cầu của Nga để tránh nguy cơ chiến tranh hay hy sinh uy quyền của pháp luật Nhật Bản. Chính phủ đã tranh luận quyết liệt. Ito Hirobumi, Thủ tướng đầu tiên của Nhật và nhiều lãnh đạo khác chủ trương là Nhật nên làm theo yêu cầu của Nga. Người phát biểu ngược lại là Bộ trưởng Tư pháp Kojima Iken. Theo ông Kojima, Nhật phải cương quyết bảo vệ luật pháp của nước mình, nếu không thì còn ai xem Nhật là nước có chủ quyền. Không có tinh thần thượng tôn pháp luật, dân chúng sẽ coi thường kỷ cương phép nước.
Kojima kiên trì bảo vệ quan điểm của mình, cuối cùng thuyết phục được giới lãnh đạo. Nhật Bản đã quyết định tuân thủ pháp luật hiện hành, không xử tử hình phạm nhân. Thay vào đó họ đã làm hài lòng Nga bằng cách yêu cầu Minh Trị Thiên hoàng tự mình đến, trực tiếp xin lỗi thái tử Nga; đồng thời Bộ trưởng Nội vụ và Bộ truởng Ngoại giao Nhật đã từ chức để chịu trách nhiệm về sự kiện đáng tiếc xảy ra. Sự chọn lựa đó đã làm cho thế giới nể trọng Nhật Bản, một đất nước mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng rất văn minh, biết tôn trọng những giá trị phổ biến của một xã hội hiện đại.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản thực thi Hiến pháp mới, cam kết không có quân đội, vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh. Hơn 70 năm sau, tình hình khu vực đã thay đổi. Năm 2017, khi chúng tôi đang công tác tại Tokyo thì Triều Tiên bắn thử tên lửa trên biển Nhật Bản. Hiến pháp có còn phù hợp với bối cảnh mới hay không là vấn đề gây tranh cãi nhất tại Nhật Bản.
Theo Giáo sư Tomohito Shinoda (Đại học Quốc tế Nhật Bản), mặc dù bị các đảng phái khác phản đối quyết liệt, Thủ tướng Abe Shinzo và đảng cầm quyền LDP của ông vẫn kiên trì đề xuất sửa đổi Hiến pháp theo tinh thần Chủ nghĩa hòa bình tích cực (Active Pacifism). Phải theo tinh thần tích cực đó, Nhật mới bảo vệ được an ninh quốc gia và tích cực đóng góp cho hòa bình thế giới. Dù ai nghiêng ngả thì quyền lợi của quốc gia, dân tộc vẫn là hằng số bất biến. Đó là bản lĩnh khi mở cửa và hội nhập quốc tế. Đó chính là tinh thần Nhật Bản./.
Dư Hồng Quảng